Thiên Văn

Chương 8: Cuốn nhật ký



Đó là chân dung chính diện của một chàng trai trẻ chỉ to bằng ngón tay, nhưng nét vẽ hết sức sinh động, tóc đen môi đỏ, ngũ quan rõ ràng, biểu cảm sinh động, vừa hoảng hốt lại vừa hoang mang, nhất là đôi mắt vô cùng sáng và tinh nhanh, giống như ánh mắt của người thật đang chăm chú nhìn mình.

Thời điểm tổ chức đám tang cậu, khách từ Thẩm Dương đến viếng rất đông, họ chủ yếu là giáo viên và bạn học của cậu, trong đó ấn tượng nhất là một ông già tên Từ Vạn Lý. Lúc ông ta đến tiền hô hậu ủng hết sức rầm rộ, sau đó còn được lãnh đạo Chính hiệp và Học viện Mỹ thuật thành phố mời đi ăn cơm. Nghe mẹ tôi giới thiệu qua, ông Từ là cựu giáo sư của Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn, đồng thời là một hoạ sĩ sơn dầu nổi tiếng Trung Quốc, từng tham gia sáng tác tranh panorama. Hồi đi học, cậu tôi là học trò của ông, tình cảm thầy trò rất sâu sắc; năm đó cậu tôi được vào tổ sáng tác tranh panorama cũng là nhờ có ông Từ giới thiệu.

Với những người nổi tiếng như Từ Vạn Lý thì việc hỏi thăm rất dễ. Sau khi tìm được địa chỉ, ngay chiều chủ nhật, tôi xách hai túi hoa quả tìm đến nhà ông. Từ Vạn Lý dáng người gầy gò, tóc bạc trắng, mặc dù tay trống ba-toong nhưng lưng vẫn còn rất thẳng. Chưa để tôi kịp giới thiệu bản thân, ông đã kéo tay tôi, vui mừng chào hỏi:

- A đầu, cháu là cháu gái của Anh Thạch, đúng không, tên là Tiêu… Tiêu Vi, làm cảnh sát hình sự. Lần trước đến Cẩm Châu không kịp nói chuyện với cháu, cháu đến để thăm ta sao?

Tôi khẽ cười rồi gật đầu, nói:

- Ông Từ, trí nhớ của ông thật tốt, lần này cháu đến Thẩm Dương công tác, tiện thể đến thăm ông.

Ông liên mồm nói tốt qua tốt quá rồi bảo tôi vào trong nhà tiếp đón rất nhiệt tình. Do tai hơi bị nghễnh ngãng nên ông nói chuyện rất to, rất hào sảng.

Vợ ông Từ là một người phụ nữ hiền lành phúc hậu, bà vừa cười vừa rót hai tách trà rồi lui về phòng, đề hai chúng tôi ở lại phòng khách nói chuyện.

Sau khi hỏi thăm, tôi cố tình chuyển đề tài sang cậu tôi, với hi vọng sẽ phát hiện một vài điều từ miệng ông. Ông Từ tay vuốt chòm râu, lim dim mắt đắm chìm trong cảm xúc dồn về, lời nói của ông đong đầy cảm giác thương cảm, cô đơn. Ông thao thao bất tuyệt đủ những chuyện thời cậu còn đi học, chi tiết thời gian đều rất rõ ràng, đủ để thấy tình cảm của ông về người học trò yêu quý sâu sắc nhường nào.

Những câu chuyện ấy gợi cho tôi nhớ về cậu. trong lòng bùi ngùi, tôi day trán, trầm tư không nói gì.

Ông Từ nhấp một ngụm trà, sau đó chuyển sang chủ đề khác, ông kể: Tháng Chín năm 1986, Tổng bộ Chính trị quân Giải phóng thành lập tổ sáng tác tranh panorama, huy động hơn ba mươi hoạ sĩ trên toàn quốc, đều là những học giả và giáo sư đã thành danh thời bấy giờ. Vốn dĩ không đến lượt một hoạ sĩ vừa mới ra trường như cậu tôi, nhưng vì luôn đánh giá cậu tôi có năng khiếu bẩm sinh, là hạt giống có thể ươm mầm, nên ông Từ đã nhiều lần tiến cử, cuối cùng cấp trên cũng đồng ý bổ sung thêm một suất.

Thời đó, mọi người rất vô tư trong sáng, trước một nhiệm vụ chính trị quan tọng như vậy, họ chỉ thấy vinh dự tự hào, tất cả đều cống hiến vô tư, không mảy may nghĩ đến thù lao, mỗi người tự chia chủ đề sáng tác của mình rồi bắt đầu đi khảo sát thực địa. Còn nhớ năm đó cậu mới ngoài ba mươi, là chàng trai trẻ tuổi nhất tổ, ngày ngày chăm chỉ lao đầu vào sáng tác. Cũng chính nhờ có cơ hội ấy, tài năng hội hoạ của cậu mới được khẳng định, rồi từ đó cứ phát triển dần lên, dành được nhiều thành tích trong lĩnh vực sáng tác tranh sơn dầu. Về sau, mỗi lần cậu đến Thẩm Dương thăm ông Từ, đều nói rằng nhờ sự tiến cử của thầy mới có được cậu ngày hôm nay.

Nói đến đây, ông Từ dừng lại đôi giây, thở dài đau khổ nói:

- Mới ngoài năm mươi tuổi, đang trong thời kỳ đỉnh cao sáng tác của người hoạ sĩ, đáng tiếc, cậu cháu… cậu cháu ra đi sớm quá!

Tôi khẽ gật đầu, nhưng trong lòng lại hiện lên một suy nghĩ khác: Năm đó cậu tìm ra tấm Long Bản rồi một mình bí mật cất giữ nó hơn hai mươi năm, lại không có vợ con để chia sẻ, đây quả là một gánh nặng tâm lý vô cùng nặng nề, chỉ nghĩ đến cũng đủ thấy đau khổ tột cùng. Nay cậu đã ra đi, đó chẳng phải chính là một sự giải thoát sao?

Thấy tôi mãi chẳng nói gì, ông Từ chớp chớp mắt, dường như ông cảm thấy điều gì đó, liền cười hỏi tôi:

- Cháu à, cháu từ xa xôi đến đây tìm ta, nếu ta đoán không nhầm chắc phải có chuyện gì, đúng không?

Tôi giật mình, nhìn khuôn mặt hiền từ của ông, ông chính là người thân cận nhất của cậu ngoài tôi và mẹ, những kiêng dè ban đầu bỗng chốc tan biến, tôi quyết định không giấu giếm nữa, liền kể lại câu chuyện xảy ra sau khi cậu ra đi, nguyên văn toàn bộ. Để ông cụ khỏi lo lắng, tôi không đề cập đến nhứng sự việc xảy ra với tôi thời gian qua.

Ông Từ ngồi dựa hẳn lưng vào chiếc ghế thái sư, hai mắt nheo vào chỉ còn bằng đường kẻ, tay phải nắm lấy chòm râu, yên lặng lắng nghe. Đợi tôi nói xong, ông khẽ lắc đầu, con ngươi đảo lia lịa, tay trái liên tục gõ nhịp vào tay vịn ghế tạo thành những tiếng cạch cạch theo nhịp. Một lúc sau, ông đột nhiên thở dài, chậm rãi nói:

- Xem ra anh ta vẫn không trốn được…

Tiếng ông vọng lại trong phòng khách, không khí bỗng trở nên vô cùng yên ắng.

Tôi nghe mà chẳng hiểu gì, sao lại trốn với không trốn gì ở đây, đang định mở miệng hỏi thì ông Từ liền ngồi thẳng người dậy, tay phải nắm lấy cổ tay tôi, nắm rất chặt. Ông ghé đầu sát lại, mắt nhìn chăm chăm vào tôi, nói cực nhỏ nhưng cũng cực nhanh:

- Tối hôm đó, khoảng hơn mười một giờ, sau khi xem hết chương trình truyền hình, ta đánh răng rửa mặt xong định lên giường đi ngủ thì cậu cháu chạy từ ngoài vào, mặt trắng bệch rất đáng sợ, như thể gặp ma vậy. Cậu ấy ngồi trước mặt ta, cúi đầu hồi lâu không nói gì. Mặc cho ta gặng hỏi nhiều lần, cậu ấy cũng không nói, lại còn kéo ta ra ngoài uống rượu. Ta nói muộn quá rồi, cậu ấy không chịu, nhất định kéo ta đi, vì vậy… ta đoán… cậu ấy xảy ra chuyện…

Ngón tay ông bấm chặt cổ tay tôi, bấm rất mạnh, rất mạnh.

Hơn hai mươi năm trước, cậu cũng dùng lực bấm này để thể hiện nỗi sợ hãi của mình, còn hôm nay, lực bấm từ ngón tay của ông Từ phút chốc kéo tôi vượt thời gian trờ về buổi tối hôm đó, cho tôi thấy một cảm giác chân thực đến ngỡ ngàng.

Ông Từ dần buông lỏng cổ tay toi ra, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, trời đã sẩm tối, ánh mắt ông xa xăm, giọng nói trầm khàn…

Anh Thạch kéo ông Từ ra khỏi nhà khách quân khu, từ từ băng qua những con phố im lìm, tĩnh lặng. Đến một quán ăn nhỏ ven đường, cậu gọi vài món xào và một chai Nhị Oa Đầu. Ông Từ ngồi đối diện với cậu, lòng đầy thắc mắc, Anh Thạch từ trước đến giờ chưa từng uống ngụm rượu nào, tại sao hôm nay lại phá lệ như thế, xem ra chắc chắn gặp phải chuyện rắc rối gì rồi, mà chuyện cũng không hề nhỏ.

Khi đồ ăn và rượu đã được đem ra, Anh Thạch tự rót rượu vào cốc mình, uống ực một hơi hết sạch, sau đó cậu nghiến răng nghiến lợi, chần chừ hồi lâu, rồi đột nhiên ghé đầu sang nói nhỏ:

- Thưa thầy, thầy có biết… có biết không, bọn… bọn họ vẫn còn.

Câu nói không đầu không cuối, thốt ra bất ngờ hết sức khó hiểu. Ông Từ ngây người, vội vàng đặt đũa xuống hỏi:

- Con nói cái gì… ai vẫn còn?

Anh Thạch như không nghe thấy gì, cứ nhìn chăm chăm ông Từ, ánh mắt hiện lên vẻ hoảng hốt tột cùng. Đôi mắt cậu khiến ông Từ cảm giác như bị rết bò dọc sống lưng, vừa lạnh vừa ngứa, vô cùng khó chịu.

Anh Thạch nhìn chằm chằm vào ông Từ một lúc, môi mấp máy, vừa định mở miệng, chợt ánh nhìn chuyển hướng qua sau vai ông, nét mặt đột nhiên biến sắc. Cậu há hốc mồm, yết hầu cứ giật lên giật xuống, phát ra một chuỗi âm thanh ùng ục kỳ lạ, giống như định thốt lên điều gì.

Ông Từ thấy lạ liền quay đầu lại nhìn theo hướng ánh mắt của cậu.

Phía sau lưng ông là cánh cửa sát mặt đường của cửa hàng, có treo một tấm rèm vải bông màu đen rất dày, trên bức tường ố vàng bên cạnh cửa treo một cái khung gương to. Mặt gương lồi lõm không đều, không những bám đầy cáu cặn mà còn bị nứt một đường, bề mặt phủ một lớp hơi nước mỏng khiến cho khuôn mặt của cậu chở nên biến dạng.

Có thể do góc nhìn, nên nhìn một lúc lâu ông Từ bỗng sinh ra ảo giác lạ, cứ như thể Anh Thạch ở trong gương mới là người thật. Hơn nữa đôi mắt của cậu còn nhấp nháy, dù cho thay đổi góc nhìn nào cũng đều hướng thẳng về phía ông.

Ông Từ càng nhìn càng cảm thấy rùng mình ớn lạnh, liền quay đầu lại hỏi cậu:

- Anh Thạch, rốt cuộc con muốn nói gì? Cái gì mà họ vẫn còn, họ rốt cuộc là ai?

Cậu nuốt ực miếng nước bọt, khoé mép giật giật, miệng há to như muốn nói nhưng rồi đột nhiên lại lấy hai tay che mặt, cúi đầu xuống, hai vai rung bần bật, khóc nức nở.

Đêm đông khuya khoắt giá lạnh, trong quán ăn nhỏ bé tồi tàn, cậu cứ thế khóc rất lâu, nước mắt giàn giụa, mặc cho ông Từ gặng hỏi kiểu gì cũng không nói.

Sau đó, cậu lau khô nước mắt, cũng không ăn uống gì, chỉ liên tục uống rượu, thỉnh thoảng ngẩng đầu lên, hai con mắt đỏ sòng sọc, ngây người nhìn vào chiếc gương đối diện, vẻ mặt vô cùng ngây dại, miệng thì vẫn không ngừng lẩm bẩm:

- Bọn họ vẫn còn, bọn họ vẫn còn…

Một rưỡi sáng, lúc quán ăn đóng cửa thì cậu đã say mềm. Ông Từ gọi xe đưa cậu về nhà khách, rồi nhờ một nhân viên nhà khách cùng dìu cậu lên phòng, đặt xuống giường.

Để cậu ngủ ngon hơn, ông Từ giúp cậu cởi giầy tất quần áo. Lúc đắp chăn, ông vô tình phát hiện sau chiếc áo may-ô như có hình gì đó mờ mờ.

Nếu không bởi tính tò mò của ông Từ, thì sự việc sẽ cứ như thế bình lặng trôi qua. Nhưng lúc đó, ông đã không nén nổi tò mò, đưa tay kéo áo lên, và bất ngờ phát hiện thấy ở chính giữa lưng cậu có một hình xăm mặt người nho nhỏ.

Đó là chân dung chính diện của một chàng trai trẻ chỉ to bằng ngón tay, nhưng nét vẽ hết sức sinh động, tóc đen môi đỏ, ngũ quan rõ ràng, biểu cảm sinh động, vừa hoảng hốt lại vừa hoang mang, nhất là đôi mắt vô cùng sáng và tinh nhanh, giống như ánh mắt của người thật đang chăm chú nhìn mình.

Ông Từ buột miệng kêu lên thảng thốt rồi vội ngồi sụp xuống giường, cúi người xuống nhìn, nghiên cứu hồi lâu bất chợt ông giật thót mình khi phát hiện hình ảnh ấy chính là chân dung của cậu.

Sau phút bàng hoàng ngạc nhiên, ông đưa tay ra chạm vào hình xăm, thấy vùng da nhẵn bóng ấm áp, không hề có cảm giác sần sùi nào cả, màu sắc ngấm đều vào trong da.

Ông vuốt vuốt râu, trí tò mò lên đến đỉnh điểm, xem ra đây có lẽ là ảnh mà Anh Thạch đã nhờ người xăm cho, nhưng sao lại xăm vào sau lưng và chỉ xăm mỗi khuôn mặt mình bé xíu?

Nghe thấy tiếng ngáy đều đều của cậu học trò ruột, ông Từ biết chắc không thể hỏi thêm được điều gì, liền đắp chăn cho cậu, đóng cửa rồi nhẹ nhàng rời khỏi phòng.

Quay trở về phòng mình, rửa tay qua loa, ông Từ leo lên giường trằn trọc mãi, cả đêm không ngủ yên giấc, trong đầu toàn những ý nghĩ kỳ quặc. Cử chỉ của Anh Thạch hết sức bất thường, rõ ràng là gặp phải chuyện gì đó, nhưng tại sao lại hoảng hốt thế? Cậu liên tục lẩm bẩm “bọn họ”, vậy “bọn họ” ở đây là ai? Lại còn hình xăm kỳ lạ nữa, rốt cuộc là chuyện gì đây? Tại sao lại xăm ở sau lưng? Thật không thể hiểu nổi.

Sáng hôm sau, khi ông Từ đến nhà ăn sáng thì không nhìn thấy cậu đâu, cảm thấy có chút bất ổn, ông liền lên phòng tìm. Thấy nhân viên phục vụ đang dọn dẹp, ông hỏi cô ta thì được biết cậu đã dậy và rời đi từ lúc nào không rõ.

Chín rưỡi sáng, tổ sáng tác triệu tập cuộc họp thường nhật để báo cáo tiến triển công việc và nghiên cứu phương án làm việc tiếp theo. Ông Từ vẫn không thấy cậu đâu, hỏi người phụ trách mới hay sáng sớm Anh Thạch đã xin phép về nhà, nói là thấy người khó chịu, có lẽ do bệnh loét dạ dày tái phát.

Nửa tháng sau đó cậu vẫn không hề quay lại tổ sáng tác, cũng chẳng có tin tức gì. Hồi đó không giống như bây giờ, do không có điện thoại để liên lạc cộng thêm công việc quá bận rộn, ông Từ cũng không để ý đến chuyện đó nữa.

Nói đến đây, ông Từ đột nhiên dừng lại, đưa tay cầm lấy cốc trà, mở nắp, gạt những cánh chè rồi cúi xuống uống.

Trong phòng vô cùng yên tĩnh, chỉ có tiếng nhấp trà của ông Từ, vọng từng tiếng, từng tiếng một.

Câu chuyện của ông Từ không xuất hiện nhân vật khủng bố nào, nhưng không hiểu sao tôi nghe mà rùng cả mình, vẻ hoảng hốt của cậu hiện rõ trước mắt, giống như chính tôi được chứng kiến sự việc. Nhất là hình khuôn mặt đó, càng hiện rõ mồn một, không sao xoá đi được.

Lúc này, tôi đã hoàn toàn bị hỗn hoặc. Theo như suy đoán trước đây, cậu mãi về sau mới tìm người xăm hình, mục đích là để ám chỉ nơi cất giấu tấm Long Bản. Nhưng thật không ngờ, hình xăm đã có từ khi cậu tham gia vào tổ sáng tác tranh, điều đó chứng tỏ những suy đoán của tôi là sai. Hơn nữa người chiến sĩ trên da người rõ ràng mặc quân phục, tại sao ông Từ lại chỉ nhìn thấy mối khuôn mặt, chẳng lẽ cậu đã xăm thành hai lần? Nhưng cậu làm như vậy với mục đích gì chứ?

Đầu tôi rối như tơ vò, thái dương bắt đầu đau nhức, giống như bên trong có một vật sắc nhọn muốn xuyên thủng đầu.

Tôi bê tách trà, uống ừng ực cốc trà đã nguội ngắt từ lâu, hi vọng những suy nghĩ đang chồng chất trong đầu dần dịu lại.

Năm 1986, năm 1986… Năm đó tôi vừa tròn năm tuổi, bắt đầu biết chuyện rồi, và cũng còn lưu giữ chút ký ức mơ hồ. Hình như tôi có nghe mẹ nói, từ sau khi cậu tham gia tổ sáng tác, trong ba năm đó cậu không trở về nhà, vì thế chắc chắn cậu đã nói dối ông Từ. Tại sao cậu lại nói dối là bị ốm, tự động rời khỏi tổ sáng tác nửa tháng, rốt cuộc cậu đã đi đâu, có phải là đi tìm “bọn họ” mà cậu luôn mồm nhắc tới không?

Bao nhiêu hoài nghi từ đâu cứ cuộn lên trong đầu, chúng tạo thành một mớ hỗn độn lớn, và tôi ngoài cách xoáy theo một cách bị động thì không còn biết làm gì hơn.

Không biết từ khi nào bên ngoài bắt đầu đổ tuyết lớn, bầu trời tối sầm lại, căn phòng cũng trở nên tối và lạnh hơn. Gió bấc gầm rít, quất mạnh vào cửa sổ, đập vào kính ầm ầm.

Tôi thở dài một tiếng, rũ bỏ những suy đoán không lối thoát trong đầu, ngẩng lên nhìn chiếc đồng hồ treo tường, đã bốn rưỡi chiều. Ông Từ vỗ đùi một cái, tự kêu mình lẩm cẩm rồi đứng lên bật đèn phòng khách, mở điều hoà và gọi bà Từ phòng trong ra, bảo bà mau xuống bếp nấu cơm, nói là muốn giữ tôi ở lại ăn tối.

Rót hai tách trà mới, ông Từ bê tách trà lên, cúi xuống uống vài ngụm, nói tiếp: Nửa tháng sau, cậu lại đột nhiên quay trở lại tổ sáng tác, trông gầy đi thấy rõ, lại còn đen sạm đi, nhưng tinh thần đã tốt hơn rất nhiều. Khi ông Từ hỏi, cậu nói là đi chữa bệnh dạ dày, còn về hình xăm mặt người sau lưng thì cậu một mực nói ông Từ đã hoa mắt nhìn nhầm, thậm chí câu chuyện uống rượu tối hôm đó cũng nhất quyết không thừa nhận.

Ông Từ tức giận chỉ thẳng vào mặt cậu, mắng:

- Anh đừng có nói lung tung, ta vẫn chưa lẩn thẩn đến thế đâu, cũng không đến mức uống nhiều quá mà nói năng bừa bãi. Đêm đó anh rất lạ, chắc chắn có chuyện gì xảy ra rồi. Nếu anh vẫn coi ta là thầy giáo thì đừng có giấu ta.

Cậu bĩu môi, cười sằng sặc, vội xua tay, thanh minh:

- Thầy ơi, chắc chắn thầy đã nhớ nhầm rồi, con không biết uống rượu, điều này không phải là thầy cũng biết sao?

Cuối cùng, hai người mỗi người một ý, chẳng ai chịu ai, khiến cho không khí hết sức căng thẳng. Cậu liếc mắt nhìn ông Từ, khẽ mỉm cười, rồi nghiêm túc nói:

- Nếu thầy không tin, con sẽ chứng minh cho thầy xem!

Nói rồi cậu liền cởi luôn áo trước mặt ông Từ để kiểm chứng. Sau lưng nhẵn thín, chẳng những không thấy hình mặt người mà đến một vết sẹo cũng chẳng thấy đâu cả.

Nói đến đây, ông Từ thở dài một tiếng, ngập ngừng nói:

- Tối hôm đó, rõ ràng ta nhìn thấy, rõ ràng có… có một hình mặt người, giống hệt… Anh Thạch, nhưng tại sao… tại sao lại không thấy đâu nữa…?

Ông Từ trầm ngâm một lúc, đôi mày chau lại đầy khó hiểu, vuốt râu liên tục, rồi lại lắc đầu quầy quậy. Nhìn điệu bộ của ông, có vẻ đến tận hôm nay ông vẫn hoài nghi về sự việc xảy ra ngày hôm đó.

Tôi không nói gì, cũng không biết phải nói gì, chỉ ngồi lặng yên, cảm giác đầu óc không thể dung nạp được những thông tin đột ngột này. Rốt cuộc đúng là ông Từ già rồi hoa mắt hay là cậu trong thời gian bỏ đi ấy đã tìm người xoá vết xăm?

Tôi nghĩ kỹ lại. Không đúng! Không đúng! Nếu theo suy đoán trên, chắc chắn sau đó cậu đã xăm lại, mà lần này xăm cả hình người chiến sĩ. Cứ xăm đi xăm lại như vậy, chưa cần nói đến chuyện phiền phức nhiễu sự, mà động cơ của việc làm đó là gì chứ?

Bỗng nhiên tôi nhớ ra một chuyện, vội lấy máy ảnh trong túi xách ra, tìm bức ảnh người chiến sĩ bằng da người của cậu, đặt trước mặt ông Từ, khẩn khoản:

- Ông Từ, ông xem thử xem, có phải là khuôn mặt này không?

Ông Từ vừa nhìn đã giật thót mình, tay chỉ vào màn hình, run rẩy đáp:

- Đúng… đúng… chính là khuôn mặt này, cho dù có di chuyển đến góc độ nào thì ánh mắt vẫn hướng về phía mình, chắc chắn ta nhớ không nhầm… nhưng… nhưng lúc đó hình ảnh ta nhìn thấy không có thân người.

Nói đoạn, ông chống ba-toong đứng dậy, vòng ra phía sau ngón tay khẽ chạm vào lưng tôi, rồi ghé sát vào tai tôi, nói rất nhỏ bằng một giọng điệu lạ lùng:

- Ở đây, là ở đây, khuôn mặt đó… chính là ở chỗ này…

Hơi nóng từ miệng ông phả thẳng vào tai tôi, khiến tôi cảm thấy buồn buồn nhưng lại không dám động đậy. Mặc dù cách một lớp áo dày, nhưng cảm giác sau lưng vẫn rất rõ ràng, ngón tay ông Từ gõ từng nhát một, lực gõ mỗi lúc một mạnh, vị trí không hề xê dịch, như muốn khẳng định với tôi, đây chính là vị trí mà cậu đã lóc da.

Tôi ngồi thẳng lưng, lắc mạnh đầu, cố tập trung tinh thần phân tích: Xem ra trước mắt chỉ có một khả năng, đầu tiên đúng là cậu có xăm hình mặt người, nhưng sau đó đã xoá đi xăm lại toàn thân người chiến sĩ, và khuôn mặt giữ nguyên không đổi, vẫn là khuôn mặt cậu. Tất nhiên cũng có một khả năng nữa, đó là bên dưới hình mặt người cậu đã xăm thêm hình vào. Thế nhưng vẫn tồn tại một vấn đề trước đó, tại sao cậu phải làm thế, điều này quả thực khó hiểu.

Sau khi quay lại chỗ ngồi, chúng tôi không ai nói gì, không hẹn mà gặp cùng nhìn vào bức ảnh. “Cậu” cũng đang hoảng hốt nhìn chúng tôi, miệng hơi nhếch lên, như muốn nói cho chúng tôi biết điều gì đó.

Bên ngoài gió bấc gào thét, nhưng trong phòng lại vô cùng tĩnh mịch, chỉ có tiếng xoong nồi va vào nhau ở dưới bếp.

Tôi nhìn ông Từ, ông cũng nhìn tôi, hai người cứ thế nhìn nhau mười mấy giây, sau đó cùng lắc đầu cười gượng.

Đột nhiên, ông Từ à lên một tiếng rồi vỗ mạnh vào thành ghế như chợt nhớ ra đièu gì đó. Ông nói nhỏ một câu:

- Đi theo ta! – Rồi đứng lên túm lấy tay tôi, chống gậy ba-toong bước nhanh vào thư phòng.

Gian thư phòng diện tích không lớn, chỉ khoảng năm sáu mét vuông, bức tường phía đông đặt một giá sách gỗ rất lớn, chạm sát trần nhà và gần như che kín bức tường, trên bốn tầng xếp đầy những cuốn sách đủ loại, nhét chật cứng. Ba bức tường còn lại treo bức tranh thuỷ mặc. Ông Từ đứng trước giá sách, đưa ba-toong cho tôi rồi từ từ cúi người xuống đưa tay kéo cánh tủ ở tầng cuối cùng, lấy ra một chồng những cuốn sách nhỏ và mỏng, sau đó quay người nhẹ nhàng đặt lên bàn làm việc.

Tôi liếc nhìn, nhận ra đó là những cuốn nhật ký thông thường bọc bìa ni-lông xanh đỏ, bụi phủ đầy. Các hình hoa lá và hình người đều là những hình ảnh hết sức cũ kỹ trên bìa sổ của những năm 80 thế kỷ XX. Các trang bên trong đã quăn mép ố vàng, không biết nó đã có từ bao năm rồi.

Ông Từ rút ra một cuốn ở dưới cùng, lấy tay áo lau sạch bụi, ngồi trên ghế, tay nhấm nước bọt, từ từ lật giở từng trang ra xem. Thỉnh thoảng ông dừng lại trầm tư, đôi mày chau lại, ánh mắt nhìn vô định, giống như đang hồi tưởng lại chuyện cũ năm xưa.

Tôi đứng bên cạnh, lặng lẽ ngắm nhìn, không hiểu dụng ý của ông là gì.

Mãi lâu sau, ông Từ thẳng vai lại, có vẻ như đột ngột rời khỏi cơn trầm tư, vội vàng đứng dậy đóng cửa, quay lại bàn chỉ vào cuốn nhật ký đó, giọng nhát gừng:

- Mấy hôm sau, tổ sáng tác được đi khảo sát ở Liên Xô, Anh Thạch và ta ở chung một phòng, ta… ta đã ghi lại những câu nói mớ của cậu ấy hằng đêm….

- Nói mớ? Nói mớ gì cơ? – Tôi bắt đầu nghi ngờ, vốn dĩ tưởng là bí mật ghê gớm nào, sao giờ lại liên quan đến nói mớ, chẳng lẽ trong mơ cậu đã tiết lộ điều gì đó?

Ánh mắt ông Từ đột nhiên trở nên sâu thẳm, ông khẽ gật đầu, đẩy cuốn nhật ký vào tay tôi, nói:

- Đây là toàn bộ lời nói mớ của Anh Thạch mấy tối đó, ta không dám để lọt một từ nào, cháu xem cẩn thận nhé.

Tôi cầm cuốn nhật lý, thấy ngoài bìa hơi nước đang dần bốc hơi, đó chính là mồ hôi tay của ông Từ. Họng tôi khô khốc, vội nuốt khan miếng nước bọt, một cảm giác hồi hộp chưa từng có, như thể chỉ cần mở cuốn nhật ký ra thì sẽ tìm ra lời giải đáp cho mọi thắc mắc đang chất chứa trong lòng.

Tôi cố định thần lại, mở cuốn nhật ký ra theo chỉ dẫn của ông Từ rồi vội lật giở qua những trang đầu, bởi vì những trang đó đều là những ghi chép bình thường, không theo lô-gic trật tự, tôi cứ thế lật thẳng đến trang ghi chép ngày đến Liên Xô.

Theo yêu cầu của Tổng bộ Chính trị quân Giải phóng, tổ sáng tác năm đó đã đến hai thành phố của Liên Xô cũ là Matxcova và Volgograd khảo sát một tháng, phần nhật ký vừa tròn ba mươi bài, trong đó có hơn mười ba bài ghi lại những lời nói mớ của cậu.

Nhật ký được ghi bằng loại bút mực màu xanh đậm, lâu ngày đã bị phai màu, nét chữ thì cẩu thả, thậm chí còn lên xuống rất khó đọc. Ông Từ nói nhỏ với tôi, do viết vào ban đêm nên chữ có hơi khó đọc. Nghe đến việc ông nửa đêm khuya khoắt còn viết nhật ký, tôi ý thức được rằng những nội dung được ghi trong nhật ký chắc chắn không phải nội dung bình thường, hai tay chợt run lên, khiến cuốn nhật ký cũng rung lên bần bật. Tôi hít sâu một hơi, cố bình tĩnh lại, tập trung vào đọc.

Những chữ viết trong cuốn sổ rời rạc lộn xộn, không theo một lô-gic nào cả, cả trang toàn là “bọn họ vẫn còn…”, “bọn họ đang nhìn…”, “bọn họ sao lại” v.v… chỉ có chủ ngữ, không có vị ngữ, không biết rốt cuộc cậu định nói gì.

Đọc tiếp, tôi chợt phát hiện thấy trong mỗi trang nhật ký đều xuất hiện một từ “vàng”.

Trong cuốn nhật ký của hơn hai mươi năm trước, đều là những câu chữ khó hiểu, nếu đó là lời trong cơn mơ của cậu thì tại sao lại xuất hiện nhiều từ “vàng” đến thế? Tôi thống kê sơ lược, trong mười ba bài nhật ký xuất hiện tới bốn mươi hai từ “vàng”, phải chăng đây chính là điều kỳ lạ trong cuốn nhật ký?

Nghe tôi hỏi, ông Từ mắt sáng lên, gật đầu tán thành rồi khẽ nói với tôi, lúc đó ông cũng tưởng mình nghe nhầm nên đã lắng nghe cẩn thận, nhưng đúng là “vàng” thật. Hơn nữa liên tục trong mười ba đêm, chắc chắn không thể nghe nhầm được. Mà mỗi lần nhắc đến từ này, giọng cậu bỗng trở nên the thé chói tai, toàn thân run bần bật, thậm chí còn khóc lóc nghẹn ngào giống như gặp phải chuyện gì đáng sợ. Thế nhưng…

Nói đến đây, ông Từ đột nhiên dừng lại, môi khẽ mấp máy, bàn tay ông nắm rồi thả thả rồi nắm, cứ lặp đi lặp lại rất nhiều lần, đốt ngón tay kêu răng rắc, hơi thở cũng gấp gáp hơn.

- Thế nhưng làm sao ạ? – Thấy thái độ khác thường của ông Từ, tim tôi thót lại, vội hỏi một câu.

Ông Từ ngập ngừng một lúc, ngón tay lật giở lại những trang nhật ký, đến bài số mười ba, ông di chuyển ngón tay xuống đoạn cuối:

- Thế nhưng ở đây cậu cháu lại nói những câu tương đối hoàn chỉnh.

Tôi vội cúi xuống nhìn, quả nhiên, đoạn kết của bài nhật ký viết rõ ràng: “Bọn họ nhất định sẽ đi ra, nhất định sẽ đi ra…”

Tôi chau mày:

- Ông Từ, câu nói này có nghĩa gì, cái gì sẽ đi ra?

Ông Từ lắc đầu nói:

- Không biết, đây là lần cuối cùng ta nghe Anh Thạch nói mơ, sau đó không nghe thấy thêm lần nào nữa.

Đi ra, bọn họ sẽ từ đâu đi ra? Trong đầu tôi đặt ra một câu hỏi như vậy!

Đọc xong mười ba bài nhật ký thì cũng gần một tiếng đồng hồ trôi qua, mùi thơm hấp dẫn của thức ăn lọt qua khe cửa gọi mời. Tôi chậm rãi gấp cuốn nhật lý lại, mãi lâu không nói được lời nào, đầu óc quay cuồng.

Một vài câu nói của cậu trong mơ khiến tôi nghĩ ra điều gì đó. Kết hợp với những điều tra ban đầu, có thể trong thời gian cậu đi khảo sát ở Cẩm Châu đã phát hiện ra một bí mật nào đó trong Cổ Tháp hoặc trong chùa Đại Quảng Tế, và nó có liên quan đến vàng. “Bọn họ” được nhắc đến ở đây, có thể là một số người biết chuyện khác. Nhưng tại sao lại là “Bọn họ nhất định sẽ đi ra”, điều này thì thật khó phán đoán, lẽ nào những người đó vẫn ở trong Cổ Tháp?

Nghĩ vậy, tôi chợt thấy lạnh toát sống lưng, toàn thân run bắn, bên trong toà tháp cổ nghìn năm chẳng lẽ có giam giữ một số người?

Không thể nào! Tôi véo mạnh một cái vào đùi, cố ngăn ý nghĩ quái dị đó. Nhưng đồng thời, tôi lại cảm thấy rất khó hiểu, cậu từ đầu đến cuối không hề đề cập đến tấm Long Bản và hình xăm, tại sao lại thế?

Tạm thời gạt bỏ những ý nghĩ hoang đường đó, tôi lại hỏi ông Từ, năm đó những hoạ sĩ Thẩm Dương tham gia tổ sáng tác tranh panorama còn có những ai?

Ông vuốt vuốt râu, hai mắt sáng lên nhìn lên trần nhà suy nghĩ một lát, rồi chậm rãi kể cho tôi, gồm cả ông thì có tất cả mười bốn người, đều là cựu giáo sư Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn. Thế nhưng hơn hai mươi năm trôi qua, đa số đều đã mất, chỉ còn có hai người ra nước ngoài đã mất liên lạc từ lâu, chắc cũng đã sớm ra đi rồi. Bản thân ông có thể sống đến ngày hôm nay cũng coi như được trời thương.

Nghe ông nói vậy, tôi tiêu tan hết hi vọng, trong lòng nặng trĩu, xem ra manh mối này coi như đứt đoạn.

Ăn tối tại nhà ông Từ xong, tôi và ông còn trò chuyện rất lâu, nhưng vẫn không ra được manh mối nào có giá trị. Thấy ông cụ dáng vẻ mệt mỏi, có vẻ không tiếp tục cuộc nói chuyện được nữa, tôi dặn ông giữ gìn sức khoẻ rồi cáo từ ra về.