Những Mùa Hoa Mãi Nở

Chương 15



Cây phượng này đã bao lần thay lá, bao lớp học sinh đã đi qua, nhưng nó vẫn ở đó, chứng minh cho sự tồn tại của chúng tôi. Cái ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi giật mình. Nếu nó có cảm giác hẳn phải đau hơn chúng tôi nhiều, vì năm nào nó cũng phải đứng lặng ở đây chứng kiến cảnh chia ly.

​ Tôi nghĩ mình cũng không phải là ngốc lắm khi vượt qua kì thi tốt nghiệp một cách an toàn.

Vậy mà, tôi ngược lại không cảm thấy sung sướng hơn mà chỉ thấy buồn. Thật sự gắn bó với lớp này ba năm dù không thân thiết với ai (ngoài Phát và Lệ Mai) nhưng tình cảm của tôi với họ lúc nào cũng ổn định. Đối với tôi, họ đã trở thành những người thân bên cạnh nên lúc chia xa không tránh khỏi có chút nuối tiếc.

Sau ngày thi tốt nghiệp chúng tôi còn một tuần bên nhau. Chúng tôi đến lớp, nhận bài thi, sửa bài và chia tay giáo viên. Không buổi tiệc nào mà không tàn. Tôi không biết liệu mười năm, hai mươi năm nữa chúng tôi có được hội ngộ thế này hay không. Thế nên tôi gắng tận dụng thời gian này ở bên họ, mong những giây phút này sẽ vĩnh viễn ở lại cùng chúng tôi.

Chúng tôi bày đủ trò quậy phá chỉ để ngôi trường này ghi dấu ấn của chúng tôi. Mùa này đã bắt đầu lác đác những cơn mưa, có khi cũng nắng đến đáng sợ, đứa nào cũng nghịch trầm mình vào màn mưa đùa giỡn. Chỉ có tôi là phải đứng ở ngoài, làm nhiệm vụ chụp ảnh, Phát cũng ở lại vì cậu ấy sợ tôi lạc lõng. Cậu ấy nói cậu ấy không thể bỏ tôi mà đi một mình mà đi như thế, và tôi cũng đồng ý vì không muốn cậu ấy phải dầm mưa lấm lem bùn đất.

Trường chúng tôi tổ chức buổi lễ tốt nghiệp trưởng thành đánh dấu bước ngoặt lớn của chúng tôi, giống như ngày tổng kết của mấy em khối mười và mười một. Trong sân trường rộn ràng, tôi bồi hồi nhớ lại hồi mình mới đặt chân vào lớp mười.

Hồi ấy mọi thứ với tôi đều bỡ ngỡ, lạ lẫm và tôi sợ ngôi trường rộng lớn này. Tôi sợ lớp, sợ bạn bè, tôi chỉ rụt rè đi bên Phát như cậu ấy là ba dắt tôi đi học. Tôi nhìn lại, bây giờ cậu ấy vẫn ở bên cạnh tôi, chưa bao giờ lơ là hay để tôi chịu bất cứ tổn thương nào ở đây. Chỉ là bây giờ chúng tôi phải rời xa nơi này để thực hiện hành trình mới của mình.

Chưa bao giờ tôi thấy cậu ấy mặc áo sơ mi trắng lại đẹp như hôm nay. Tôi bị ám ảnh bởi chiếc áo này bao năm qua, mười hai năm, lúc nào cậu ấy cũng như vậy không hề thay đổi. Tôi chợt sợ sẽ không còn nhìn thấy cậu ấy mặc chiếc áo này nữa. Tôi nhìn vẻ ngoài của cậu ấy mà thản thốt. Tôi chưa bao giờ nhìn kĩ cậu ấy như bây giờ, cậu ấy có đầy đủ tố chất để làm một người cảnh sát. Chắc cậu ấy mặc ảnh phục sẽ oai hơn là chiếc áo sơ mi này. Không hiểu sao cậu ấy mặc áo sơ mi tôi chỉ nghĩ được hai từ phong trần dành cho cậu.

Tôi quay sang gỡ nút áo đầu tiên trên áo cậu ấy: “Cậu mặc như thế này có vẻ phong trần hơn.”

Không ngờ cậu ấy lại gỡ một nút áo trên chiếc áo dài trắng của tôi rồi trả lại câu y chang như tôi vừa nói.

Rồi chúng tôi cùng nhau cười lớn. Tôi cười để giấu những giọt nước mắt cho nó lăn dài vào trong. Còn cậu ấy cuời, có lẽ để tôi không khóc theo.

Làm lễ sinh hoạt xong chúng tôi về lớp để chia tay giáo viên của mình

Tôi lăng xăng tìm thầy thể dục của mình trước tiên vì thầy là người tôi yêu mến nhất. Không phải vì thầy thiên vị cho tôi, mà thầy lúc nào cũng đối xử với tôi như con ruột của chính mình. Thầy lúc nào cũng bảo vệ cho tôi tránh khỏi những tổn thương không đáng có. Tôi chưa từng được ba mình đứng lớp dạy nên không biết ông sẽ đối xử với tôi như thế nào. Nhưng tôi tin chắc rằng, ba tôi cũng sẽ giống như thầy thể dục vậy. Yêu thương và chở che cho tôi.

“Em cố gắng sống tốt, bất cứ khi nào bị thằng nhóc đó ăn hiếp cứ quay lại tìm thầy.” Thầy nói với tôi, giọng nghèn nghẹn, còn tôi đã khóc từ lâu rồi.

Vậy là không có giờ thể dục cho tôi chơi đùa, không có giờ thể dục an nhàn chỉ phải chạy một vòng sân. Tôi sẽ không bao giờ được học môn thể dục nào trong đời nữa. Dù biết sẽ gặp lại thầy trong tương lai nhưng sao cảm giác đó khác hẳn những ngày tôi đến lớp... Chỉ nghĩ thôi mà tôi vẫn không tin thời gian lại vùn vụt trôi như vậy.

Lớp chúng tôi cả ba mươi sáu đứa đều đậu tốt nghiệp. Cô giáo chủ nhiệm là người vui mừng nhất. Bởi lẽ tốt nghiệp, nghĩa là đánh dấu chúng tôi bước sang chặn đường mới. Có đứa đi học, có đứa đi làm, có đứa lập gia đình, nhưng dù thế nào chúng tôi cũng không thể quên đi người cô đã tận tụy dạy chúng tôi nên người. Nhất là tôi, cô thường lo tôi sẽ không qua khỏi môn toán, nhưng điểm số đối với cô không quan trọng, cô nói quan trọng là tôi đã biết phấn đấu, đặt mục tiêu cho đời mình. Tôi thật muốn làm học trò của cô mãi, dù bị cô la mắng vì cái tính ngốc nghếch tôi cũng chịu.

Cả lớp tôi đứa nào cũng khóc, nhưng đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi thấy Phát khóc. Cậu ấy ôm chặt tôi, và khóc như một đứa con nít. Lúc đó không hiểu sao tôi chỉ muốn cười. Vì dù không chung lớp nhưng đâu phải tôi và cậu ấy không gặp nhau nữa đâu. Người mà cậu ấy nên ôm khóc phải là cô giáo chủ nhiệm mới phải. Nhưng sau này cậu ấy mới nói với tôi rằng, cậu ấy khóc vì sợ vĩnh viễn không còn đứa ngốc như tôi bên cạnh hỏi bài cậu ấy nữa. Cậu ấy muốn tôi cùng đi học đại học, nhưng lo tôi cố sức quá không nổi. Vì cậu ấy cũng sợ mất tôi. Vậy mà giờ phút đó, tôi lại muốn cười trên nỗi đau của cậu.

Liên hoan ở lớp xong tôi còn nán lại chưa chịu về. Giờ trong trường chỉ còn lác đác những cây phượng đầy hoa buông mình trước gió. Phát cởi áo rồi bảo tôi cầm, cậu ấy trèo tít lên ngọn cây hái cho tôi một chùm hoa phượng rực rỡ nhất.Cậu ấy xuống chưa kịp mặc áo thì chú bảo vệ lù lù đi ra. Cậu ấy nắm tay tôi chạy nhanh ra cổng, còn không ngừng quay lại le lưỡi trêu đùa chú bảo vệ tóc đã muối tiêu.

Tôi nắm nhánh phượng trong tay, quả thật đây là lần đầu tiên trong đời tôi không phải đi nhặt phượng dưới gốc mà có hẳn một nhánh phượng trên tay như vậy. Tôi nhìn những cánh hoa đỏ thắm, phượng vĩ, mùa hè. Trong cái góc sân trường này sẽ còn in dấu của chúng tôi. Cây phượng này đã bao lần thay lá, bao lớp học sinh đã đi qua, nhưng nó vẫn ở đó, chứng minh cho sự tồn tại của chúng tôi. Cái ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi giật mình. Nếu nó có cảm giác hẳn phải đau hơn chúng tôi nhiều, vì năm nào nó cũng phải đứng lặng ở đây chứng kiến cảnh chia ly.

Tôi đứng trước cổng trường đợi Phát đi lấy xe. Tôi nhìn toàn cảnh sân trường một lần nữa, những hàng ghế đá, những cánh phượng rơi, những lá bàng, những người bảo vệ, những giáo viên và những lớp học đang im lìm ở đó. Nơi này giờ đối với chúng tôi đã có một tầng chia cắt.

Tôi quay đi, nước mắt rơi lã chã trên mặt tự bao giờ.