Bí Thư Tỉnh Ủy

Quyển 1 - Chương 13



Đường phố thị xã vào buổi chiều nắng hanh. Cái ánh nắng vừa nhẹ vừa sắc. Thi thoảng một ngọn gió bấc mỏng mảnh lướt qua xua những ngọn lá xà cừ vàng úa xao xác càng tăng thêm vẻ đìu hiu của một thị xã thời chiến. Lề đường đầy hố cá nhân tránh máy bay. Người đi lại thưa thớt. Thỉnh thoảng có mấy người đi xe đạp với dáng điệu vội vã hoặc một chiếc xe bò với nhịp bước đều đều vô tư của con bò kéo xe. Mấy cô tự vệ mặc áo quần, đội mũ công nhân, súng khoác sau lưng đạp xe nói cười rộn rã.

Bà Quê vai đeo tay nải lê từng bước thất thểu trên lề đường. Thỉnh thoảng bà dừng lại trước một ngôi nhà đang mở cửa ngửa tay hỏi xin. Người cho tiền, kẻ cho gạo. Nếu có ai đó buông câu hỏi vô tình con cháu đâu mà không nuôi bà để bà đi ăn xin, bà chỉ đáp lại câu hỏi xót xa đó bằng đôi dòng nước mắt rồi lặng lẽ bước đi. Một anh trung sĩ công an còn trẻ, vai đeo lủng lẳng chiếc xắc cốt bằng da, phanh xe đạp lại trước mặt bà Quê hỏi giọng hách dịch:

- Này bà. Bà ở đâu mà ra phố ăn xin?

Bà Quê lơ láo nhìn anh công an rồi đáp:

- Tôi ở thôn Gia Đạo, xã Đạo Thắng.

- Con cháu bà đâu mà bà đi ăn xin?

- Con cháu ở quê nhưng nhà thiếu ăn nên tôi đi xin ăn để đỡ bớt cho con cháu một miệng ăn.

- Bà có giấy phép của Ủy ban xã không?

Bà Quê ngạc nhiên:

- Tôi đi xin ăn chứ có đi đâu mà phải được phép của xã hả chú?

- Bà nên nhớ chế độ ta không có người đi ăn xin, bà có biết không?

Bà Quê nở nụ cười méo mó:

- Tôi già cả, chỉ biết đói thì phải lần đi ăn xin thôi chú ạ.

- Bà đừng có cái kiểu ăn nói xuyên tạc ấy. Chế độ ta không để cho ai đói cả.

Bà Quê nhìn anh công an một lát rồi thủng thẳng:

- Có khi chú là người thành thị thành ra chú chẳng biết bà con nông dân chúng tôi đang sống như thế nào đâu. Một ngày công chưa đầy hai lạng thóc, nấu cháo cũng không đủ chú ạ. Tuy không đói như năm Ất Dậu nhưng cả xã tôi đang đói rã họng ra vì thiếu ăn đấy.

Thấy một bà già tỏ ra ương ngạnh với mình, anh công an đe:

- Bà đã không biết cái sai của mình mà còn nói liều. Nếu vậy xin mời bà về đồn công an giải quyết.

Ông Kim đạp xe đi qua, thấy bà Quê và anh công an đang giằng co nhau, ông dừng xe lại hỏi:

- Có chuyện gì thế đồng chí?

Nhận ra ông Kim, anh công an kính cẩn:

- Báo cáo đồng chí bí thư. Tôi gặp bà này đang đi đến các nhà ngửa tay ra ăn xin, tôi bảo bà ta đang bôi nhọ chế độ Xã hội Chủ nghĩa và yêu cầu bà ta trở về quê nhưng bà ta không chịu.

Ông Kim hỏi bà Quê:

- Bà người đâu?

- Thưa ông, tôi người thôn Gia Đạo, xã Đạo Thắng ạ.

- Bà từ dưới ấy mà lên tận đây ăn xin kia à?

- Người ta bảo đói thì đầu gối phải bò. Chỗ nào có thì tìm đến xin ăn. Ông nghĩ xin ở quê nơi nào cũng thiếu đói, lấy đâu người ta cho mình.

Anh công an nói với ông Kim:

- Đồng chí bí thư thấy chưa. Nói rặt giọng điệu của bọn chiến tranh tâm lí. Thời này mà dám bảo nơi nào cũng thiếu đói, có khác gì luận điệu phản động.

Ông Kim cười, hỏi lại anh công an:

- Nếu tôi nói với đồng chí hiện nay đúng là nơi nào cũng đang thiếu ăn, đồng chí có cho giọng điệu tôi là giọng điệu của bọn phản động không?

Anh công an lúng búng trả lời:

- Dạ… nhưng chế độ ta làm sao mà có chuyện thiếu đói được ạ.

Ông Kim hỏi:

- Đồng chí quê ở đâu?

- Thưa đồng chí, em người Đồng Xá, huyện Thạch Sơn ạ.

- Lâu nay đồng chí có về thăm quê không?

- Thưa đồng chí bí thư, do tình hình thời chiến nên lâu lắm em không về thăm nhà ạ.

Ông Kim nói giọng nhẹ nhàng:

- Tôi vừa về quê đồng chí tuần vừa rồi. Ở quê đồng chí cũng không no đủ như đồng chí tưởng tượng đâu. Tỉnh ta đang thiếu ăn trầm trọng là chuyện có thật chứ chẳng có thằng địch nào xuyên tạc cả. Chế độ chúng ta tốt đẹp, rất tốt đẹp nữa là đằng khác. Nhưng trong chế độ tốt đẹp đó mà để cho dân thiếu đói thì tôi và đồng chí đều là những người có lỗi với dân và với chế độ. Thôi, đồng chí đi làm việc đi. Nhớ lần sau tiếp xúc với dân phải có thái độ đúng mực và tìm hiểu cặn kẽ mọi việc trước khi nói nghe chưa.

Anh công an ngượng ngùng:

- Vâng. Báo cáo đồng chí bí thư em đi làm việc.

Ông Kim đáp lại bằng một cái gật đầu rồi quay sang bảo bà Quê:

– Bà ngồi lên xe tôi đèo về nhà tôi nghỉ ngơi ăn cơm.

- Tôi xin cám ơn ông. Ông không phải lo cho tôi đâu. Bà con phố xá thương tình nên tôi cũng sống được, không dám làm phiền ông.

- Đang có chiến tranh. Chưa biết địch ném bom vào thị xã lúc nào. Bà đi lang thang như thế này hết sức nguy hiểm, có chuyện gì con cháu không biết đâu mà tìm. Tôi cũng có việc cần hỏi bà nên mời bà về nhà tôi, đừng ngại. Bà lên xe đi tôi đèo. Tôi còn khoẻ lắm, bà không lo ngã đâu. Từ đây về nhà tôi chỉ một đoạn ngắn thôi mà.

Bà Quê chần chừ giây lát rồi ngồi lên xe để ông Kim đèo đi. Ông Kim hỏi:

- Bà năm nay bao nhiêu rồi?

- Sáu mươi hai ông ạ.

- Bà hơn tôi những mười hai tuổi. Bà có mấy anh mấy chị?

- Cám ơn ông đã hỏi. Tôi có ba người con, hai trai một gái. Con gái lấy chồng xa, tôi ở với thằng út. Khi nãy nghe anh công an xưng hô với ông là bí thư. Vậy ông bí thư xã hay huyện?

- Tôi là bí thư tỉnh ủy.

Bà Quê hốt hoảng kêu lên:

- Ấy! Ấy! Ông dừng xe lại đi. Thế này thì không phải với ông quá!

Ông Kim nói đùa để bà Quê yên lòng:

- Có gì mà không phải. Bà xem tôi có giống mọi người không hay chân tay tôi dài như vượn, móng tay sắc như vuốt hổ, lông lá đầy mặt, mồm đầy răng nanh nào.

- Vẫn biết cán bộ cũng từ dân mà ra. Nhưng mà… nói ông bỏ quá cho chứ đừng cho tôi nói xấu cán bộ. Ở xã tôi mấy ông cán bộ từ Chủ nhiệm hợp tác cho đến ủy ban xã, trừ bà con dòng họ của họ ra thì chẳng còn ai coi dân ra gì.

- Chỗ nào mà chẳng có người thế này người thế khác hả bà.

Đến khu vực cơ quan tỉnh ủy, ông Kim cho xe chạy chậm lại rồi dùng chân lê lê dưới đất hãm xe lại:

- Đến nơi rồi đấy bà ạ. Bà xuống từ từ thôi kẻo ngã đấy.

Bà Quê xuống xe. Ông Kim dắt xe đạp đi trước, bà Quê mang đãy đi theo sau. Vào đến cơ quan, ông Kim gặp bà Thường từ trong phòng đi ra.

- Chào bà – Bà Quê nhanh nhẩu chào bà Thường.

- Vâng chào bà – Bà Thường đáp lại – Bà ở trên quê xuống thăm chú Kim đấy ạ?

Bà Quê đang lúng túng chưa biết nói sao thì ông Kim đỡ lời:

- Khách đặc biệt đấy chị ạ. Lát nữa chị lấy suất cơm của chị ở nhà bếp xuống nhà tôi ăn cơm với khách của tôi cho vui – Ông Kim giới thiệu bà Thường với bà Quê – Đây là chị Thường, trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy đấy bà ạ. Chị Thường người gốc chị Hai quan họ đấy.

Bà Quê xuýt xoa:

- Quý hóa quá.

Ông Kim nhắc bà Thường:

- Chị nhớ lấy cơm về nhà tôi ăn cho vui nhé.

- Đã có gì đãi khách chưa?

- Cô Lê nhà tôi sẽ xoay xở, chị khỏi lo. Tôi đưa khách về nhà đây.

Buổi tối tại nhà ông Kim. Mọi người quây quần bên mâm cơm trong không khí đầm ấm. Bà Quê đã trở lại với con người chân chất tự nhiên của bà. Bà Lê gắp thức ăn bỏ lên bát bà Quê:

- Bác ăn đi, đừng có làm khách. Gọi là ăn cơm của nhà bí thư tỉnh ủy nhưng chẳng có món nào thuộc sơn hào hải vị. Chỉ có rau là nhiều.

Nói xong bà Lê gắp một miếng thịt bỏ vào bát cho bà Quê. Bà Quê bưng bát cơm lên ngồi lặng yên. Bỗng nhiên nước mắt bà chảy giàn giụa. Mọi người không hiểu chuyện gì, đưa mắt nhìn bà Quê. Bà Quê cười ngượng ngập:

- Ấy chết. Tôi lại làm phiền các ông các bà rồi.

- Sao đang ăn cơm bà lại khóc? Nhớ các con, các cháu à? – Bà Thường hỏi.

Bà Quê thở dài:

- Vâng. Bữa cơm của ông bà tuy không mâm cao cỗ đầy gì, nhưng nhìn lát thịt của bà bỏ lên bát cho tôi, tôi bỗng thấy thương và nhớ mấy đứa cháu tôi quá. Cả năm chỉ hong hóng chờ đến dịp Tết Hợp tác xã mổ lợn chia cho xã viên hai cân thịt vừa xương vừa lòng. Gói bánh chưng rồi còn được vài lạng. Cháu có thèm thì cũng chờ cúng tổ tiên ông bà xong mới được ăn.

Bà Thường an ủi:

- Bà mời cơm đi. Hôm nào bà về, tôi còn mấy lạng phiếu sẽ ra cửa hàng thực phẩm mua biếu bà để bà đem về cho cháu.

Bà Quê lùa hết bát cơm rồi đặt bát xuống:

- Xin phép ông và hai bà.

- Ấy, bà ăn thêm bát nữa. Gạo tem phiếu nhưng không thiếu đâu, bà đừng lo – Nói xong, bà Lê lấy cái bát trên tay bà Quê định xới cơm cho bà Quê. Bà Quê giằng lại:

- Tôi đủ rồi. Ở nhà tôi cũng ăn từng ấy thôi bà ạ.

Ông Kim cũng bỏ đũa đứng lên:

- Bà qua ngồi uống nước.

- Ông để mặc tôi.

Sau bữa cơm, mọi người ngồi quây quần nói chuyện quanh bàn uống nước.

Ông Kim hỏi bà Quê:

- Khi nãy tôi nghe bà bảo ở dưới quê một năm chỉ ăn thịt lợn một lần vào dịp Tết thôi à?

- Đúng thế đấy ông ạ. Nhà ai có việc xin mổ một con lợn cũng khó lắm, phải đơn từ chạy đi chạy lại khắp các cửa quan may ra mới được mổ. Chợ búa thì rặt cá vụn với cua đồng. Thỉnh thoảng cũng có người mổ lợn chui đưa đi các chợ bán nhưng phải trốn chui trốn lủi. Lợn của nhà mình mà cứ như bắt trộm của ai mổ thịt đi bán không bằng. Tôi kể cho ông và hai bà nghe chuyện này, ông và các bà đừng cười. Một lần thằng cháu nội tôi đi học về, khi đi ngang qua cái chợ xép đầu làng thấy người ta bán thịt lợn chui, nó chạy vội chạy vàng về nhà bảo tôi. Bà ơi, khi nãy con đi học về đi qua chợ thấy người ta đang bán thịt lợn cháu thấy thèm quá bà ạ. Ước gì nhà ta cũng mua được như họ để ăn một bữa cho đỡ thèm. Tôi nhìn cháu mà thấy xót xa quá ông ạ. Thế là tôi vào buồng xúc hai bơ gạo cho vào cái túi vải con con rồi le te đi ra cái chợ xép đầu làng. Biết thịt lợn chỉ được bán chui nên tôi thu kín túi gạo vào trong người, đi rảo một vòng quanh chợ xem người bán thịt lợn ngồi ở đâu.

Đảo hết chợ không thấy, tôi mới hỏi cô Thoa bán hàng xén, cô liền chỉ cho tôi một cô đang ngồi bán rau ở góc chợ và bảo, bà muốn mua thịt lợn thì đến rỉ tai chị ta bán cho. Tôi đi đến thì thầm vào tai cô bán rau bảo đổi cho tôi mấy lạng thịt, cô ấy bảo chỉ bán chứ không đổi. Tôi nói dối là cháu tôi bị ốm mà nhà không có tiền. Thấy tôi nói vậy cô bán thịt thương tình bảo đưa gạo cho cô ta. Họa vô đơn chí. Tôi vừa cầm miếng thịt lên thì từ đâu mấy anh trật tự xông ra thổi còi inh ỏi. Cô bán thịt nhanh chân bê rổ thịt chạy. Hai anh đuổi theo, còn một anh đứng lại bảo tôi, ai cho phép bà mua thịt lợn của bọn con buôn? Tôi bảo cháu tôi ốm nên lấy gạo đổi mấy lạng thịt nấu cháo cho cháu chứ có mua bán gì đâu. Anh trật tự bảo tôi mua hay đổi gì cũng là tiếp tay cho con buôn, chúng tôi có nhiệm vụ tịch thu để sung vào công quỹ.

Nghe bà Quê kể đến đó, ông Kim kêu lên:

- Thế này thì quá đáng quá.

Bà Lê hỏi:

- Thế mấy cái anh trật tự ấy có tịch thu mấy lạng thịt bà mua không bà?

- Có bà ạ. Để tôi kể tiếp cho ông và hai bà nghe. Khi nghe anh trật tự ấy đòi tịch thu miếng thịt tôi đang cầm trên tay, tôi van lạy anh ta, bảo tôi già cả không biết cái luật lệ ấy nên xin anh tha. Nghe tôi nói thế mặt anh ta rắn đanh lại bảo: Không phải xin xỏ, anh ta làm theo lệnh ủy ban, muốn xin thì theo anh ta lên ủy ban mà xin. Nói xong, anh ta lấy luôn miếng thịt tôi đang cầm trên tay đưa lên săm soi rồi bảo: Đây là thịt loại một. Loại này chỉ được cân cho Nhà nước. Tôi phải tịch thu về nộp cho ủy ban. Nếu bà cần xin lại thì làm đơn trình bày với ủy ban rồi cầm đơn lên để ủy ban xét. Nói xong, anh trật tự cầm miếng thịt trên tay bỏ đi. Tôi lạy lục kiểu nào cũng không được đành lau nước mắt đi về. Cuộc sống của nông dân chúng tôi khổ thế đấy.

Bà Thường vốn tính nóng nảy nên khi nghe bà Quê kể xong, bà căm phẫn kêu lên:

- Quá cái thời đế quốc sài lang với bọn trương tuần lính dõng. Lúc nào chú Kim xuống công tác ở Đạo Thắng tìm xem thằng nào ăn mấy lạng thịt lợn, nọc ra đánh cho chúng một trận để chừa cái thói lộng hành.

Ông Kim cười:

- Chị bảo làm bí thư tỉnh ủy muốn nọc ai ra đánh cũng được hay sao – Quay sang hỏi bà Quê – Tôi hỏi bà, có gì không phải bà bỏ quá đi cho. Chiều nay bà bảo bà có ba người con, hai trai một gái. Bà ở với vợ chồng chú út. Ba người con mà không nuôi nổi mẹ hay sao mà bà phải đi ăn xin?

Bà Quê rơm rớm nước mắt:

- Người ta bảo một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con chưa chắc nuôi nổi một mẹ ông ạ. Nói thật với ông là bà con dưới quê tôi khổ thì có khổ nhưng chưa đến nỗi phải xách bị đi ăn xin. Nhưng từ ngày Hợp tác xã ra cái điều lệ lao động phụ, lao động chính thì lắm chuyện nhiêu khê xảy ra lắm ông ạ. Như tôi đây đẻ ra trên đồng ruộng, biết đi cày đi cấy từ khi tóc còn để chỏm, thế mà bây giờ ngồi nhà đuổi gà để cho con trai, con dâu đi làm để nuôi. Hai người làm nuôi sáu miệng ăn nhiều khi mệt quá hóa ra bẳn tính rồi cắn xé lẫn nhau. Cô con dâu tôi nhiều lần nặng lời với tôi nhưng tôi nghĩ nó mệt quá hóa mất khôn nên tôi một điều nhịn, hai điều nhịn.

Bà Quê sụt sùi kể lại chuyện bỏ nhà đi rồi bảo:

- Thương con nhớ cháu lắm đôi lúc muốn quay về. Nhưng nghĩ giận chúng nó bỏ ra đi, giờ quay về cũng xấu hổ. Thế là đành nhắm mắt đưa chân, đến đâu thì đến.

- Con trai và con dâu bà chẳng có lỗi gì – Ông Kim nói – Lỗi là ở chúng tôi. Làm lãnh đạo mà để dân thiếu, dân đói là có tội với dân. Sáng mai tôi xuống công tác ở Tam Bình, tôi sẽ đưa bà về tận nhà.

- Chiều nay ông đã đèo xe đưa tôi về đây cho ăn uống tử tế, tôi không dám phiền ông thêm nữa. Tự tôi về là được rồi ông ạ.

Ông Kim đùa:

- Đây về Đạo Thắng những hơn hai chục cây số, bà đi bộ bao giờ đến. Sáng mai tôi lại tiếp tục đèo bà về Đạo Thắng bằng xe đạp. Bà thấy chiều nay tôi đèo bà có giỏi không?

Bà Quê chối đây đẩy:

- Tôi không dám làm phiền ông nữa đâu. Ông mà làm thế tôi chẳng biết lấy gì để đền ơn ông đâu.

Bà Lê cười bảo:

- Nhà cháu nói đùa đấy. Sáng mai ông nhà cháu đưa bà về bằng ô-tô.

Bà Quê cười:

- Tôi cứ ngỡ ông nói thật nên lo quá.

Ông Kim hỏi:

- Tôi bận đi nhiều nơi nên từ hôm cấy vụ chiêm đến giờ chưa về được Gia Đạo. Tình hình lúa má vụ này ra sao hả bà?

Bà Quê ối dào một tiếng rồi nói:

- Ông tính làm ăn bây giờ có ra gì đâu mà bảo lúa má tốt được. Năm nay tôi đã sáu mươi hai tuổi rồi mà chưa thấy thời nào làm ăn dối dá như bây giờ. Ấy thế mà có được thong dong đâu ông. Sáng gà mới te te gáy đã chân sấp chân ngửa chạy ra đồng làm ruộng phần trăm. Nghe kẻng Hợp tác đánh lại chân sấp chân ngửa chạy về đi làm để lấy điểm. Về chậm là bị phạt. Tối lại đội mưa đội gió bê đèn ra sân Hợp tác bình điểm chấm điểm rồi tị nạnh nhau cãi vã ầm cả làng. Cực lắm.

Ông Kim thở dài:

- Thế xã viên không có ý kiến gì với cung cách làm ăn dối trá, bận bịu ấy hay sao?

- Mở miệng ra nói là lãnh đạo Hợp tác bảo trên đã quy định thế rồi, cứ thế mà làm, không phải thắc mắc.

- Tôi hỏi cho vui thôi. Nếu để cho bà làm chủ nhiệm Hợp tác và để cho bà tự do điều hành công việc, không có ai thúc ép, cấm đoán thì bà sẽ cho Hợp tác làm ăn như thế nào?

Bà Quê cười giòn giã:

- Tôi cho mọi người đi lao động tất, chẳng phân biệt lao động phụ lao động chính gì sất. Ai làm tốt tôi chia cho nhiều thóc, ai làm không tốt thì nhận ít thóc. Thế là công bằng, chẳng cãi vã tị nạnh nhau.

- Làm sao bà biết người này lao động tốt, người kia lao động không tốt?

- Cứ làm ăn như mấy ông chủ nhiệm và đội trưởng hiện nay đánh kẻng xong kéo nhau đi uống rượu, chẳng biết ruộng đồng là cái gì thì đúng là không biết ai làm tốt, ai làm xấu thật. Còn tôi thì đừng hòng ai qua được mắt tôi.

- Hàng ngày bà vẫn cho đánh kẻng để xã viên đi làm, và tối đến vẫn tập họp ở sân Hợp tác để bình điểm?

Bà Quê hào hứng trả lời:

- Chuyện ấy làm sao bỏ được. Không đánh kẻng thì người đi trước, người đi sau làm sao mà phân công được công việc. Tối đến cũng phải họp mọi người lại để thông báo ai làm tốt, ai làm không tốt trong ngày chứ ông.

Ông Kim cười:

- Nếu tôi là xã viên mà thấy bà chưa bỏ được hiệu lệnh của kẻng và bắt xã viên đêm nào cũng đi họp để nghe bình điểm thì tôi không khi nào bầu bà làm chủ nhiệm cả.

- Không đánh kẻng, không họp để bình điểm thì làm sao điều hành được Hợp tác hả ông?

- Tôi tính thế này xem bà có nghe được không nhé. Nếu tôi làm chủ nhiệm thì tôi sẽ tính toán công việc rồi giao cho đội sản xuất. Trên cơ sở công việc được giao, đội trưởng sản xuất tính toán cụ thể mỗi việc cần giao cho bao nhiêu xã viên rồi cứ thế đi đến từng nhà thông báo công việc cho họ. Nói rõ họ cần làm bao nhiêu thời gian, mỗi việc làm tốt được bao nhiêu điểm, làm chưa đúng yêu cầu thì hoặc bắt làm lại hoặc trừ điểm lao động. Làm xong báo cho đội trưởng biết và chấm luôn điểm vào đó. Nếu xã viên đồng ý thì ký vào. Như vậy việc gì tôi phải đánh kẻng và họp đêm để bình điểm. Bà thấy tôi làm chủ nhiệm như vậy có được không?

- Làm được như ông thì còn gì phải nói nữa. Nhưng khó lắm ông ạ.

- Khó ở chỗ nào?

- Như tôi nói với ông khi nãy ấy. Hễ ai muốn làm khác đi thì người ta bảo làm như vậy là vi phạm điều lệ, quy định, rồi còn gì gì nữa. Thấp cổ bé họng như chúng tôi có nói thì người ta vẫn làm ngơ. Mà rồi các ông Chủ nhiệm chẳng ai muốn mua cái bận vào người. Đánh kẻng, ngồi uống rượu vẫn có nhiều điểm hơn xã viên đi làm ngoài đồng, ai dại gì mà thay đổi vừa vất vả, vừa thiệt thòi.

Đêm trở về trong yên tĩnh, chỉ còn nghe tiếng khua xào xạc rất khẽ của lá cây xà cừ quanh nhà. Bà Thường về từ lâu, bà Lê và bà Quê nằm rì rầm trò chuyện ở trong phòng bên, ông Kim đặt lưng nằm xuống nhưng không sao ngủ được. Trằn trọc chán, ông ngồi dậy lấy chiếc khăn len quàng vào cổ, xách cái điếu cày và gói thuốc rón rén mở cửa bước ra hiên mò mẫm tìm cái ghế đòn ngồi xuống ngước mắt nhìn vào cái quãng sáng lờ mờ của đêm trăng cuối tháng hiện ra dưới các chòm lá. Câu chuyện của bà Quê và kế tiếp là những hình ảnh làm ăn mà ông bắt gặp ở Hợp tác xã Hạ Đình cứ lởn vởn trong đầu ông. Lại một vụ chiêm thất bát rành rành hiện ra trước mắt đẩy nông dân đến càng gần bờ vực của đói nghèo. Nguyên nhân vì đâu thì đã nhìn thấy, nhưng làm sao thoát ra được tình cảnh này thì còn lúng túng như gà mắc tóc. Ở đây có cái gì đó giống như trận đánh công đồn. Muốn cho bộ đội xung phong vào phá lô cốt, tiêu diệt địch phải có người ôm bộc phá lên phá hàng rào để mở cửa mở. Nhiệm vụ đó giờ đây thuộc về tập thể tỉnh đảng bộ, trong đó ông là bí thư, người chỉ huy cao nhất. Ông Kim rít một hơi thuốc lào khe khẽ rồi ngước nhìn lên cái khoảng không sâu thẳm nhờ nhờ hiện ra giữa các tầng lá. Gần ba mươi năm hoạt động cách mạng, gian nguy từng trải nhưng chưa khi nào ông thấy tay chân mình bị trói buộc như hôm nay. Đêm nặng nhọc trôi qua. Ông Kim rít thêm một hơi thuốc lào nữa rồi xách điếu đi vào nhà.